Sách hot
Phù Vân - Hayashi Fumiko
150,000₫
MẶT NẠ ZORRO - Johnston McCulley
99,000₫
PHÁP Y TỐNG TỪ - Vương Phương
299,000₫
Chiếc xe kéo ma & truyện ngắn tuyển chọn
93,750₫
125,000₫
Tiếng gọi
74,250₫
99,000₫
CHIẾC XE SẮT
74,250₫
99,000₫
MA TƯỚC
216,000₫
288,000₫
Người đàn bà trong đêm – Người lạ ơi, xin hãy cho tôi mượn niềm vui
Trở về nhà sau khi thưởng thức một đêm hẹn hò cùng một người phụ nữ lạ mặt, Scott Henderson bàng hoàng nhận ra vợ mình đã bị sát hại và bản thân anh hiện đã trở thành là kẻ tình nghi duy nhất của vụ án mạng.
Mọi nỗ lực để chứng minh sự vô tội của anh đều đi vào ngõ cụt, bản án tử hình đã được thông qua khiến quyền được sống của Henderson chỉ còn được tính theo từng ngày. Trong khi đó, người phụ nữ đã ở cùng Henderson – nhân chứng duy nhất có thể chứng minh cho sự vô tội của anh – thì biến mất, như thể cô chưa bao giờ tồn tại. Tất cả mọi người đều phủ nhận đã nhìn thấy cô, và cả Henderson cũng chẳng nhớ nổi một điều gì hay một ấn tượng nào về cô hết, ngoại trừ chiếc mũ màu da cam chói mắt kỳ quặc mà cô đã đội trong đêm xảy ra án mạng…
Từ một người bạn đồng hành ngẫu nhiên…
Khi Henderson rời khỏi nhà sau trận cãi nhau với vợ, anh đã tự đưa ra một quyết định trong giận dữ, đó là sẽ tận hưởng cả buổi tối với người phụ nữ đầu tiên anh gặp hôm đó. Qua giọng văn miêu tả của tác giả Cornell Woolrich, độc giả có thể cảm nhận được sự tức giận bị dồn nén trong từng bước chân, từng cửa chỉ của anh. Một thoáng liếc mắt cho chúng ta thấy một điều gì đó đã bị bỏ lại phía sau những bước đi nặng nề ấy; anh đang tức giận nên đã bỏ lỡ một chi tiết khi bước đi, một điều sau này sẽ được dùng để chống lại chính anh. Quyết định của anh thì thật nông nổi: “mượn niềm vui” từ một người lạ mà anh ngẫu nhiên gặp đêm đó, không biết rằng rồi nó sẽ dẫn đến một hậu quả tai hại như thế nào.
Chúng ta cũng tò mò như anh khi bắt gặp người phụ nữ trong quán rượu, một người phụ nữ với những hành vi có phần lạ lùng. Ấn tượng của anh về cô gái hầu như chẳng có mấy, và nếu có thì chắc chắn là không thể nhiều bằng ấn tượng với chiếc mũ của cô – một chiếc mũ màu đỏ cam chói lọi, nổi bật đến nỗi làm lu mờ hết mọi đường nét trên gương mặt của cô gái.
Một vài độc giả hẳn sẽ còn cảm nhận được sự chán chường của Henderson trong buổi tối ngày hôm đó; dù đi uống rượu, ăn tối rồi đi xem hát với một người phụ nữ nổi bật ở bên cạnh, anh cũng vẫn giữ vẻ thờ ơ, tận hưởng cả buổi tối trong sự thích thú giả tạo. Cả chuyến đi chơi chỉ để lại duy nhất hai ấn tượng: một, là chiếc mũ màu cam của cô gái; và hai, tính cách không bình thường (thể hiện qua những hành vi không ai giải thích nổi, những cử chỉ như trẻ con) của cô. Khi buổi hòa nhạc kết thúc, Henderson và cô gái chia tay nhau, rồi đường ai nấy về. Có lẽ anh đã nghĩ rằng mình sẽ không còn gặp lại cô gái nữa…nhưng anh đã sai lầm.
Giá như Henderson có thể tận hưởng buổi tối một cách thoải mái hơn bằng việc chọn lựa kỹ càng người bạn đồng hành của mình, một người mà anh có thể thoải mái tâm sự để giải tỏa cơn giận dữ thay vì là một kẻ lạ mặt. Giá như anh chịu khó tìm hiểu và ghi nhớ nhiều ấn tượng về cô gái đã đi chơi cùng anh hơn. Giá như anh đã trò chuyện với cô nhiều hơn, để nhận ra con người thật của cô, để tránh khỏi cái tai họa lơ lửng trước mặt anh từ khi anh để mắt đến cô và chọn cô làm người đồng hành. Giá như anh có nhiều điều ấn tượng về cô hơn là về cái mũ màu cam chói của cô; anh không hề biết rằng những điều ấn tượng đáng lẽ cần phải có đó rồi sẽ trở nên quan trọng với anh đến chừng nào…
…đến cuộc tìm kiếm sự thật trong vô vọng…
Những bánh răng số phận bắt đầu tăng tốc khi Henderson về nhà và phát hiện ra cái chết của vợ mình. Bị tình nghi là hung thủ, mọi lý lẽ đưa ra để chứng minh cho sự vô tội của mình đều bị bác bỏ một cách lạnh lùng, tất cả những người đã từng gặp Henderson tối hôm đó đều khẳng định rằng người đồng hành của anh không hề tồn tại. Tình yêu là gì? Phải chăng là những ảo ảnh chẳng thể nào với tới?
Qua từng trang sách, hi vọng tìm ra “người đàn bà trong đêm” cứ mỏng dần, mỏng dần,… cho đến khi cả Henderson cũng trở nên nghi ngờ bản thân về sự tồn tại của người phụ nữ này. Mặc dù vậy, vẫn có người tin vào sự vô tội của Henderson. Theo chân Carol – người con gái đã dành trọn tình yêu cho Henderson, John – người bạn thân nhất của Henderson, mới trở về từ Nam Mỹ theo lời cầu xin của anh, cùng với sự hỗ trợ của Thanh tra Burgess – từng buộc tội Henderson, song lại trở thành người trợ thủ đắc lực nhất của cả Carol lẫn John, độc giả dường như bị hút vào chuyến hành trình chìm trong màn sương huyền bí của ba người để tìm ra chân tướng cô gái bí ẩn Henderson đã gặp trong đêm xảy ra án mạng.
Băng qua những con phố để bắt chuyến tàu đêm, đặt chân lên hành lang tranh tối tranh sáng có bóng điện chập chờn để tìm người hành khất, dùng mọi tài trí để quyến rũ người nhạc công hòng lấy được chút đầu mối, kiên nhẫn chờ đợi và lựa lời nói khéo với nàng ca sĩ đỏng đảnh nhằm gợi lên những ấn tượng về “người đàn bà trong đêm”,… các nhân vật phải vận dụng hết tài trí và nắm lấy chút manh mối mờ ảo chỉ để có thể đưa người phụ nữ bí ẩn kia ra ngoài ánh sáng. Mỗi khi tưởng chứng như có một chút hi vọng, thì những nhân chứng mà họ tìm đến lại lần lượt bỏ mạng. Và rồi, ở một thời điểm nào đó, mục đích của ba người dần dần tách khỏi mục tiêu ban đầu…
Một cái kết “tưởng không ngờ mà ngờ không tưởng”
Với những “fan cứng” của thể loại trinh thám, những góc khuất và những chi tiết bị bỏ lửng đặt rải rác trong tác phẩm không quá khó hiểu hay lắt léo, chỉ cần chú ý một chút là bạn có thể tìm ra ngay lời giải cho vụ án mạng. Truyện trinh thám của Cornell Woolrich không đặt nặng khía cạnh trinh thám đơn thuần.
Trong tác phẩm không có những chi tiết hành động giật gân, hay những màn đấu trí căng thẳng, bởi vì Woolrich đã sử dụng giọng văn độc đáo của mình để biến chúng thành những nốt nhạc đặc biệt trong bản nhạc trữ tình lớn dày 344 trang – chính là tác phẩm “Người đàn bà trong đêm” của ông. Nói vậy không có nghĩa là câu chuyện không có sự hấp dẫn đặc trưng của thể loại trinh thám. Những câu hỏi này nối tiếp câu hỏi khác, những nghi vấn này bị bác bỏ bởi những nghi vấn khác. Câu hỏi có ở khắp mọi nơi, trong trang giấy, trong tâm trí nhân vật, trong tâm trí độc giả. Người đàn bà bí ẩn là ai? Kẻ đã sát hại bà Henderson là ai? Đó là hai câu hỏi lớn nhất.
Dù vậy, khi cùng dấn thân vào hành trình tìm kiếm câu trả lời của Carol, John và Burgess, độc giả sẽ nhận ra đằng sau hai câu hỏi đó còn nhiều nghi vấn khác, riêng tư hơn, tăm tối hơn, thủ đoạn hơn, và thậm chí là tàn nhẫn hơn nhiều. Trên hết, những nghi vấn này không hoàn toàn nhắm vào Henderson hay người phụ nữ đội mũ cam, mà lại vào chính những người đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm câu trả lời.
Woolrich không hề đưa ra một nhận xét cụ thể nào về các nhân vật của mình; ông để họ tự do hành động và để độc giả tự khám phá tính cách cùng bản chất của các nhân vật bằng cách tham gia hành trình của họ. Sau tất cả, sự thật và những điều nghi vấn đều sẽ được hé lộ vào phút cuối, khi độc giả được Carol và John dẫn dắt để tiến gần đến cái kết đã được báo trước, cái kết mà tác giả đã “bật mí” bằng một vài gợi ý đặt rải rác khắp cuốn tiểu thuyết. Cái kết tưởng chừng như khá là bất ngờ, tuy nhiên nếu đã chú ý vào một số chi tiết nhất định – đặc biệt là những “khoảng trống” bị bỏ lửng – trong tác phẩm, những người hâm mộ thể loại trinh thám suy luận hẳn sẽ không thấy quá khó hiểu với cái kết kiểu này.
Hải Anh