Sách hot
Phù Vân - Hayashi Fumiko
150,000₫
MẶT NẠ ZORRO - Johnston McCulley
99,000₫
PHÁP Y TỐNG TỪ - Vương Phương
299,000₫
Chiếc xe kéo ma & truyện ngắn tuyển chọn
93,750₫
125,000₫
Tiếng gọi
74,250₫
99,000₫
CHIẾC XE SẮT
74,250₫
99,000₫
MA TƯỚC
216,000₫
288,000₫
Hành trình 'gái nhảy' ở vũ trường tìm thấy bình minh
“Hạn chót lúc bình minh” giống như một cuộc chạy đua, một cuộc chạy đua vượt rào của cô gái chuyên nhảy nhót ở vũ trường để tìm thấy bình minh, tìm thấy tương lai tươi sáng.
Trong “Hạn chót lúc bình minh” cuốn sách mới của Cornell Woolrich đã bao quát được khát vọng muốn vươn lên, sẵn sàng chạy đua với thời gian, số mệnh để hướng tới tình yêu và hạnh phúc dù phải đối mặt với thực tại nghiệt ngã.
Hạnh phúc nào cho những thân phận "bé mọn"?
Ngay từ những trang đầu tiên, thành phố được Cornell Woolrich xây dựng trong “Hạn chót lúc bình minh” không phải là nơi những con người trẻ tuổi theo đuổi ước mơ mà là nơi nhấn chìm con người ta vào bóng tối như cách mà ông khẳng định "Đầu tiên là bạn mơ sau đó rồi bạn chết".
Ở giữa thành phố xa hoa, lộng lẫy, những con người với thân phận "bé mọn" như những con thiêu thân, lao vào vòng xoáy mưu sinh. Họ cô đơn ngay ở chính nơi đã từng là ước mơ, khát khao của họ. Nhân vật chính trong “Hạn chót lúc bình minh” là những người gần như chạm đáy của xã hội.
“Hạn chót lúc bình minh” giống như một cuộc chạy đua, một cuộc chạy đua vượt rào của cô gái chuyên nhảy nhót ở vũ trường để tìm thấy bình minh, tìm thấy tương lai tươi sáng.
Cô gái - Bricky - hàng đêm lê gót về căn phòng trọ tồi tàn, mệt mỏi rã rời với mảnh vụn của giấc mơ tan vỡ. Cô vốn muốn trở thành diễn viên Broadway nhưng cuối cùng chỉ có thể bán những vũ điệu của mình giá 5 xu một bản, trong vũ trường. Cô vẫn gửi thư về nhà báo với mẹ rằng con ổn, công việc rất tốt, cùng vài tờ đô la "đẫm máu". Bricky gặp Quinn khi anh ngơ ngác và lạc lối. Họ tình cờ phát hiện cả hai sống cùng một khu phố - nơi họ đã từ bỏ sau lưng để theo đuổi giấc mơ của mình.Bricky và Quinn đã lay lắt ở thành phố quá lâu, không đủ can đảm rời bỏ nó một mình; mãi cho đến khi gặp nhau, nhưng dường như đã trễ. Quinn và Bricky vô tình bị cuốn vào một vụ án mạng. Nếu họ không kịp tìm ra thủ phạm thực sự sẽ không kịp chuyến xe buýt về quê - chuyến xe mà họ chờ đợi đã lâu, chuyến xe họ phải dùng hết dũng khí mới dám bước lên. Chuyến xe ấy sẽ khởi hành vào lúc sáu giờ sáng.
Tất nhiên, Bricky và Quinn không phải là những kẻ cô đơn, lay lắt duy nhất ở thành phố. Chúng ta có thể gặp một Bricky thứ hai, thứ ba... hay chàng trai nào đó cố gắng, nỗ lực không ngừng nhưng chẳng đủ để nuôi sống bản thân ở bất cứ đâu đó trong thành phố này. Những con người sẵn sàng rời bỏ quê hương đi tìm kiếm giấc mơ của mình nhưng lại bị tan vỡ bởi chính giấc mơ đó..
Woolrich đã dẫn dắt bạn đọc đi khám phá một New York rất khác, một New York sau nửa đêm với một sự trống rỗng, được khuếch đại bởi thứ ánh sáng và bóng tối nhập nhờ. Một New York giống như một con quái vật, nó rình rập, chiếm hữu và nghiền nát những người như Bricky và Quinn. Nó liên tục cản đường các nhân vật chính khi họ cố gắng muốn vươn lên chạm tới giấc mơ và hạnh phúc.
Nỗi ám ảnh về thời gian
Có người nói rằng truyện của Woolrich luôn là một cái gì đó rất lạ. Và nó đến từ nỗi ám ảnh về thời gian và bóng tối. Với Woolrich thời gian giống như một tên sát nhân lặng lẽ mà bạn chẳng thể nào buộc tội nó. Thời gian chính là một tên sát nhân, cắn chặt chúng ta không lúc nào buông và không ai thoát được khỏi nó. Thời gian là đích đến cũng là định mệnh và số phận.
Trong những tác phẩm trước đó của mình, Woolrich cũng bị ám ảnh bởi các mốc thời gian nhất định như ngày 31/5 chết chóc trong “Điểm hẹn đen” hay trước lúc nửa đêm trong “Đêm ngàn mắt” nhưng phải đến “Hạn chót lúc bình minh”, thời gian mới như là một thế lực vô cùng đáng sợ. Chiếc đồng hồ như nhắc nhở Bricky và Quinn và chính cả độc giả về thời hạn 6 giờ sáng.
Nhiều lúc người đọc như có cảm tưởng sau 6 giờ sáng Bricky và Quinn sẽ tan biến và không bao giờ xuất hiện nữa. Dụng ý về mặt thời gian không chỉ được gói gọn trong tình tiết truyện mà ngay cả ở cách đánh số chương, thay vì ghi chương 1, chương 2 bình thường thì Woolrich lại đếm thời gian trôi qua. Mà càng đến gần mốc 6 giờ sáng, người ngoài cuộc lần người trong cuộc đều văng vẳng hồi chuông cảnh báo thúc giục chúng ta phải nhanh nữa lên, nhanh nữa lên, mọi thứ sắp chấm dứt rồi.
Câu chuyện của Woolrich mở ra bằng sự tình cờ, tình cờ gặp nhau và tình cờ bị cuốn chung vào một vụ án. Một tội lỗi nhỏ, một lời nói dối sau đó là một vụ án giết người, cuối cùng là chạy đua với thời gian để chứng minh mình vô tội và kịp lên chuyến xe khởi hành trước lúc bình minh về nhà. Tất cả mọi chuyện chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vài tiếng đồng hồ, dồn dập, hối hả.
Hai người lần theo dấu vết, khi tưởng như tóm được thủ phạm đến nơi tác giả lại đưa họ quay trở về điểm xuất phát với một chi tiết làm thay đổi hướng đi của vụ án. Tình tiết dồn dập khi truy bắt thủ phạm lại chùng xuống như gánh nặng ngày càng đè lên vai hai nhân vật chính khiến người đọc vừa thở hắt ra như thể mới đọc xong một câu chính tả dài không dấu chấm phẩy, vừa nín hơi chuẩn bị tinh thần bước vào một trường đoạn hồi hộp khác. Và tất cả những gì sau khi bạn đọc xong và gấp cuốn sách lại chính là "Thật là khó tin". Thế nhưng với tài dẫn dắt câu chuyện của mình, Woolrich đã biến những cái phi lý thành có lý, sử dụng những sai số rất nhỏ để tạo nên bước ngoặt cho câu chuyện của mình.
Woolrich có biệt tài trong việc dồn các nhân vật của mình đến đường cùng, buộc họ phải chọn lựa: chấp nhận số phận hoặc cố gắng chạy đua với nó. Bricky và Quinn điên cuồng muốn thoát ra khỏi nghịch cảnh nhưng lại bất lực khi biết được rằng ra ngay từ đầu phải chăng họ đã sai? Và 30 chưa phải là Tết?
Có thể nói “Hạn chót lúc bình minh” giống như một cuộc chạy đua, một cuộc chạy đua vượt rào. Vượt qua nhưng rào cản đó là đích đến của bạn. Từng giây, từng phút trôi qua, bạn phải vận dụng hết sức lực, trí lực cho cuộc đua này. Và khi thời gian dừng lại ở con số 6, bạn thắng nhưng ngay giây tiếp theo sau đó bạn lại không biết mình thắng hay là thua?
Thế giới Woolrich là vậy, giống như một mê cung, đánh lạc hướng suy luận của người đọc. Tác giả đặt ra những “cái bẫy” cho các nhân vật chính không may mắn của mình và sau đó chờ đợi nhân vật chính sa vào bẫy và độc giả bị đánh lừa.
Theo Vietnamnet