Sách hot
Cô Dâu Đen
99,000₫
MẶT NẠ ZORRO - Johnston McCulley
99,000₫
Chiếc xe kéo ma & truyện ngắn tuyển chọn
93,750₫
125,000₫
Tiếng gọi
74,250₫
99,000₫
Dashiell Hammett: Huyền Thoại Đằng Sau Những Tác Phẩm Sách Trinh Thám Kinh Điển
1. Dashiell Hammett: Từ Tuổi Thơ Gian Khó Đến Ngòi Bút Trinh Thám Huyền Thoại
Trong một bài phỏng vấn năm 1929 với tờ Brooklyn Daily Eagle, Dashiell Hammett có kể về những gian khó mưu sinh đầu tiên. Sau khi bỏ học tại Học viện Kỹ thuật Baltimore lúc 14 tuổi, ông làm nhân viên đưa thư cho Công ty Đường sắt Baltimore and Ohio, sau đó là thư ký cấp thấp (rất thấp) tại một văn phòng quảng cáo, nhân viên chứng khoán, người chấm công trong một xưởng đóng hộp và xưởng cơ khí, và công nhân bốc xếp cho đến khi công việc đó trở nên "quá vất vả". Lúc đó, ông trả lời một mẩu quảng cáo tuyển dụng bí ẩn và được nhận làm điều tra viên tại văn phòng Baltimore của Pinkerton National Detective Agency. Từ năm 1915 đến 1918 và từ năm 1920 đến 1922, Hammett làm công việc điều tra. Mặc dù thu nhập khiêm tốn, ông vẫn "thích công việc thám tử hơn bất kỳ công việc nào từng làm trước đó" và còn thích "điều tra" hơn nữa. Năm 1921, ở tuổi 27, ông kết hôn và có con. Cần tiền, ông "quyết định trở thành nhà văn," Hammett kể với tờ Eagle. "Đó là một ý tưởng hay. Vì không có bất kỳ kinh nghiệm viết lách nào, ngoại trừ viết thư và báo cáo, tôi không bị ràng buộc bởi những quan niệm phức tạp về khó khăn phía trước."
2. Những Bước Đột Phá Đầu Tiên Trong Sự Nghiệp Văn Chương
3. Những Tác Phẩm Sách Trinh Thám Nổi Bật Của Dashiell Hammett
Sự nghiệp của Dashiell Hammett mang một chất ngẫu hứng và không lấy gì làm lãng mạn cho lắm, trái ngược với những gì thường thấy trong tiểu sử nghệ sĩ. Nathan Ward đặt câu hỏi tại sao Hammett lại đến với nghề viết "muộn như vậy, dường như không trải qua những năm tháng luyện tập và nuôi dưỡng tham vọng thường lệ." Ông cho rằng việc soạn "hàng chục báo cáo điều tra" khi làm cho Pinkerton đã dạy Hammett cách viết súc tích và trân trọng ngôn ngữ đời thường, trong khi việc "bị chỉnh sửa hoặc viết lại bởi cấp trên" chính là một kiểu đào tạo văn chương.
Tuy nhiên, quan niệm rằng các nhà văn phải trải qua "nhiều năm luyện tập" dựa trên những giả định nhất định về tầng lớp xã hội và nghề nghiệp. Không một mô hình tác giả quen thuộc nào—thiên tài lãng mạn, thiên tài hiện đại, hay nhà văn thương mại—có thể "giải thích" Hammett. Ông là một người thợ thủ công tài năng, đứng giữa ranh giới của văn chương đại chúng và văn học nghệ thuật. Xuất thân nghèo khó và học vấn chỉ ở mức tiểu học, như Diane Johnson mô tả trong tiểu sử năm 1981, khiến thành tựu của Hammett đáng khâm phục, nhưng không giúp định vị ông trong bất kỳ khuôn khổ nào. Điều quan trọng nhất trong thời thơ ấu của ông không phải là nghèo khó hay hạn chế giáo dục mà là niềm đam mê đọc sách. Hammett, theo mô tả của Ward, là "một người say mê đọc sách, thường xuyên lui tới thư viện công cộng với gu đọc trải dài từ tiểu thuyết phiêu lưu đến các tác phẩm triết học và kỹ thuật của châu Âu." Chính niềm đọc, sự tự tin và tính phiêu lưu đã bù đắp cho thiếu hụt giáo dục chính quy của ông.
Không có điều gì trong tuổi thơ dự đoán thành công của Hammett. Sinh năm 1894 tại trang trại thuốc lá của gia đình ở Maryland, ông mang tên Samuel Dashiell Hammett, lấy từ ông nội Samuel Biscoe Hammett và tổ tiên Huguenot của mẹ, dòng họ De Schiells. Cha ông, Richard, vật lộn với các công việc không ổn định, còn mẹ ông, Annie, mắc bệnh mạn tính và chủ yếu ở nhà. Cha ông thường xuyên uống rượu, ăn mặc bảnh bao, và có tiếng là đào hoa nhưng vũ phu. Khi gia đình gặp khó khăn tài chính, Sam phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Ông đi làm thêm, còn thì dành thời gian rảnh rỗi để câu cá, săn bắn, uống rượu, và tán tỉnh. Năm 1915, khi bắt đầu làm cho Pinkerton, ông mắc bệnh lậu lần đầu tiên. Những năm tháng tạo nên tính cách ấy đã không đi từ các tổ chức và môi trường ưu tú mà là từ lao động - giải trí, cũng chẳng tạo ra bi kịch tâm lý kiểu như bây giờ hay khai thác—những điều đó chỉ đến sau khi ông nổi tiếng.
Năm 1922, khi Hammett bắt đầu viết cho tờ The Smart Set, do H.L. Mencken và George Jean Nathan sáng lập và biên tập, ông bộc lộ cảm thức ngôn ngữ và quan sát tinh tế của mình. Trong bài viết thú vị, giàu tính châm ngôn "From the Memoirs of a Private Detective," ông kể lại việc cấp trên thay "voracious" thành "truthful" vì khách hàng có thể không hiểu từ đầu, hoặc thay "simulate" thành "quicken" với lý do tương tự. Dù những chỉnh sửa này có thực sự xảy ra hay không, Hammett đã nhận ra sức mạnh của ngòi bút mình. "Tôi là một thám tử khá giỏi," ông kể trong cuộc phỏng vấn với Eagle, "nhưng hơi bị đánh giá cao vì khả năng giải thích hợp lý các thất bại của mình, chứng minh rằng chúng là điều không thể tránh khỏi và không phải lỗi của tôi... Nhờ khả năng viết báo cáo thuyết phục và dễ chịu, danh tiếng của tôi luôn cao hơn thực tế một chút.”
4. Hammett Và Ảnh Hưởng Lớn Đối Với Thể Loại Sách Trinh Thám Mỹ
Tính hợp lý chính là yếu tố trung tâm trong sự nghiệp viết tiểu thuyết của Dashiell Hammett. Là một cựu điều tra viên, ông biết—hoặc tuyên bố rằng mình biết—về tội phạm, điều tra và cơ chế của cả hai hơn bất kỳ nhà văn nào trong thể loại này. Câu chuyện tội phạm đầu tiên của Hammett, “The Road Home,” (Đường về nhà) được xuất bản trên tạp chí The Black Mask dưới bút danh Peter Collinson, một cái tên tiếng lóng ám chỉ sự vô danh. Đến năm 1924, Hammett được Phil Cody, biên tập viên mới của tạp chí, ca ngợi là "một trong những tác giả được yêu thích nhất của chúng tôi."
Điểm khác biệt trong các câu chuyện của Hammett là chúng “gần với thực tế,” như ông từng mô tả. Các thám tử của ông không phải những quý ông giải câu đố theo phong cách Sherlock Holmes mà là những người cứng cỏi, ăn nói kiểu giang hồ, đôi khi hơi hắc ám. Họ làm việc chăm chỉ, chú ý tiểu tiết, và không ngại thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nhân vật thám tử vô danh, Continental Op, người kể lại 28 câu chuyện ngắn và hai tiểu thuyết đầu tiên của Hammett, là một “người đàn ông nhỏ bé, kiên định,” với những câu nói như: “Tôi không thích hùng biện. Nếu nó không đủ sắc để làm bạn bị thương, nó thật nhàm chán, và nếu đủ sắc, nó khiến bạn rối trí.” Phong cách của Hammett nằm ở những câu nói hài hước và nhịp điệu nhanh gọn. Thám tử của ông đi trước độc giả không phải vì họ thông minh hơn mà vì họ đã có kinh nghiệm thực tế lâu năm.
Hammett từng nói: “Tôi nhận ra mình có thể bán truyện dễ dàng khi mọi người biết tôi từng là một điều tra viên của Pinkerton. Họ nghĩ rằng những câu chuyện của tôi là thật.” Ông tuyên bố từng tham gia nhiều vụ án nổi tiếng, bao gồm việc phá vỡ cuộc đình công của công nhân mỏ đồng Anaconda ở Butte, Montana; điều tra vụ trộm vàng trên tàu SS Sonoma; và bảo vệ Fatty Arbuckle trong vụ án cưỡng hiếp và giết Virginia Rappe. Tuy nhiên, trong tiểu sử năm 1981, Richard Layman coi những tuyên bố này là “khó tin” và “đáng ngờ.” Nathan Ward, dựa trên nghiên cứu lưu trữ, còn đi xa hơn khi kết luận rằng Hammett chỉ đóng vai trò nhỏ hoặc không tham gia do tình trạng sức khỏe yếu.
Ngay cả nếu D. Hammett có làm cái việc đó đi chăng nữa, thì nên nhớ là hãng Pinkerton rất thận trọng về việc cựu nhân viên tiết lộ thông tin. Tác giả Ward kể câu chuyện của một thám tử hãng này là Charlie Siringo, anh này từng suýt thì xuất bản hồi ký nhưng Pinkerton không cho phép. Do thỏa thuận bảo mật, Siringo buộc phải thay đổi tên của công ty trong sách của mình. Ông cay cú đến mức xuất bản quyển có tên là Two Evil Isms: Pinkertonism and Anarchism (1915), tố cáo sự tham nhũng của Pinkerton. Nhưng Hammett khác: ông viết tiểu thuyết chứ không phải hồi ký, đã thay đổi tên và tình tiết từ trước, tránh được rủi ro pháp lý và từ đó có được tự do sáng tạo.
Trong giai đoạn đầu rất triển vọng của sự nghiệp viết lách, cuộc sống gia đình của Dashiell Hammett lại gặp nhiều khó khăn. Vào cuối năm 1924 hoặc đầu năm 1925, bệnh lao tái phát buộc ông phải sống xa vợ con một vài thời điểm. Mùa thu năm 1925, Jose mang thai đứa con gái thứ hai của họ. Khi biên tập viên từ chối tăng nhuận bút, Hammett đăng một mẩu quảng cáo ứng tuyển với câu kết “…và tôi có thể viết” và thế là được tuyển làm quản lý quảng cáo cho công ty Albert Samuels Jewellers, giúp thu nhập gia đình tăng gấp bốn lần. Hammett nhanh chóng hòa nhập với công việc mới (cũng như với Peggy O’Toole, một cô đồng nghiệp tóc đỏ rất xinh, người truyền cảm hứng cho nhân vật Brigid O’Shaughnessy trong Chim ưng Malta). Tuy nhiên, chỉ sau năm tháng, ông ngã quỵ tại văn phòng trong tình trạng xuất huyết nghiêm trọng: ông bị viêm gan ngoài bệnh lao. Veterans’ Bureau tuyên bố ông bị tàn tật 100%. Mặc dù vậy, Hammett vẫn quyết tâm xây dựng danh tiếng trong lĩnh vực quảng cáo. Trong bài luận “Advertising is Literature” trên tạp chí Western Advertising, ông tuyên ngôn rằng: “Cứ ông bà nào làm việc với ngôn từ để tạo ra hiệu quả thì đều là người làm văn chương.”
Khi sức khỏe không cho phép ông đến văn phòng, Joseph Shaw, biên tập viên mới của Black Mask (người bỏ từ “The” khỏi tiêu đề), đã mời ông trở lại với đề nghị tăng lương và cơ hội viết những câu chuyện dài hơn. Tám năm năng suất sáng tác đáng kinh ngạc bắt đầu. Hammett viết một tiểu thuyết ngắn, The Big Knockover, được Shaw đăng tải theo dạng truyện dài kỳ, và ông bắt đầu đánh giá các tác phẩm trinh thám cho Saturday Review of Literature. Những chương đầu của “The Cleansing of Poisonville” xuất hiện trên Black Mask, và Hammett gửi bản thảo đầy đủ đến các nhà xuất bản ở Bờ Đông. Blanche Knopf hồi âm rằng họ “hứng thú,” dù cho rằng ông nên giảm bớt bạo lực và đổi tiêu đề “mang tính tuyệt vọng” này. Cuốn sách được xuất bản với tựa đề Red Harvest năm 1929, theo sau là The Dain Curse (1929), The Maltese Falcon (1930), The Glass Key (1931), và The Thin Man (1934), cùng các bản chuyển thể điện ảnh.
Tham vọng của Hammett ngày càng lớn. Ngay từ năm 1925, ông đã đùa với Phil Cody rằng việc làm rõ các quyền sở hữu trí tuệ sẽ “giúp các nhà thừa kế văn học của tôi bớt rắc rối.” Năm 1928, ông nói với Blanche rằng mình là “một trong số ít—nếu còn có ai khác—người thực sự coi trọng thể loại truyện trinh thám,” và dự đoán rằng “một ngày nào đó, ai đó sẽ biến nó thành ‘văn học’.” Ông chia sẻ kế hoạch viết một tiểu thuyết trinh thám theo dòng ý thức, nơi độc giả được đưa theo hành trình của thám tử, chứng kiến mọi thứ cùng lúc với anh ta. Đến năm 1930, Hammett trở nên kiêu ngạo. Khi nhận hóa đơn từ Knopf về chi phí chỉnh sửa thêm cho The Glass Key, ông trả lời rằng ai đó trong bộ phận biên tập đã “sửa hết hồn bản thảo,” và “may cho họ là tôi còn chưa gửi hóa đơn đòi bồi thường cho rắc rối khi phải chỉnh sửa lại.” Sự kiêu ngạo này có cơ sở của nó: ảnh hưởng của ông đối với thể loại trinh thám rất sắc nét và rộng rãi. Năm 1935, Hammett được mời tham dự một buổi tiệc ở Los Angeles tôn vinh Gertrude Stein, người muốn gặp “bậc thầy của thể loại trinh thám hiện đại.” Hammett không chỉ là một nhà văn tuân theo thể loại; ông là một nhà cách tân hiện đại. The Maltese Falcon (Chim ưng Malta), mở đầu bằng hình ảnh một phụ nữ đẹp bước vào văn phòng thám tử với câu chuyện bí ẩn, đã trở thành tác phẩm nền tảng của văn học trinh thám Mỹ hiện đại. Raymond Chandler, trong bài tri ân bậc thầy của mình, đã nói rằng đấy là “một cảnh tưởng chừng chưa từng được viết trước đó.”
5. Cuộc Đời Biến Động Của Tác Giả Sách Trinh Thám Huyền Thoại
Hammett nhanh chóng dừng sáng tác—hoặc đúng hơn, như con gái ông Jo nói, dừng xuất bản. Trở nên giàu có, ông tiệc tùng và tiêu xài hoang phí. Hammett dần bị lu mờ bởi Chandler, người giàu trăn trở nghệ thuật hơn. Chandler ngờ rằng Hammett “chẳng có bất kỳ mục đích nghệ thuật nào; ông ấy chỉ mưu sinh bằng cách viết về điều mà ông rất hiểu.” Dù cũng chẳng đúng lắm, điều này làm Hammett trông như là một nhà văn thực dụng, lại còn từng làm thám tử. Viết lách có lẽ là điều gần nhất với sứ mệnh của ông, nhưng mọi sứ mệnh đều đi kèm những yêu cầu và lo lắng nghề nghiệp. Hammett không đủ hứng thú với phần thưởng để tiếp tục chịu đựng những gian truân của việc sáng tác. “Tôi gầy, dài, tóc bạc, và rất lười biếng,” ông viết cho Black Mask năm 1924, khi 30 tuổi. “Tôi không có tham vọng gì theo nghĩa thông thường của từ này.”
Mọi người thường đặt hai câu hỏi về Hammett: tại sao ông bắt đầu viết và tại sao ông dừng lại? Ward trả lời câu hỏi đầu tiên ở mức độ có thể, nhưng khôn khéo tránh câu hỏi thứ hai, mà Hammett từng trả lời, dù không thỏa đáng: “Tôi dừng viết vì nhận ra mình đang lặp lại chính mình. Đó là khởi đầu của sự kết thúc khi bạn phát hiện ra mình có phong cách.” Hammett không xuất bản gì trong 26 năm từ sau The Thin Man đến khi qua đời, nhưng ông không nhàn rỗi: ông uống nhiều, chỉnh sửa các vở kịch của người tình Lillian Hellman, tham gia Đảng Cộng sản, dạy viết truyện trinh thám, nhập ngũ lần nữa, ngừng uống rượu, ra làm chứng trước House Un-American Activities Committee, bị kết án khinh thường tòa án và vào tù. Ông duy trì mối quan hệ với Jose và các con gái, cũng như với Lillian, người sau này trở thành bạn thân chứ không phải người tình. Ông có những mối tình khác, yêu thương cháu chắt, câu cá và làm mồi câu, vẽ, chụp ảnh, và đọc sách. Bi kịch trong việc không viết lách của ông chỉ nằm ở chỗ ông đã cố gắng nhưng không thể hoàn thành cuốn tiểu thuyết Tulip, mà ông mất hàng thập kỷ để viết.
Ông đến với viết lách khi nó phù hợp với mình và rời bỏ khi nó không còn thích hợp nữa. Diane Johnson viết: “Cái yêng hùng trong cuộc đời ông không nằm ở sự thành công kiểu Horatio Alger, mà lại chính ở những năm dài sau đó, khi tiền bạc và tài năng đã cạn kiệt. Chính những năm dài trống rỗng ấy mới chứng minh tinh thần của ông.”
Theo Anne Diebel - The Paris Review
Mưa Chiều dịch